26 thg 2, 2013

Quê hương -Ký ức tuổi thơ


Đóng góp cho chuyên mục Xóm văn , lần này chúng tôi xin giới thiệu với các bạn bài viết rất ấn tượng về ký ức tuổi thơ của anh Trần Quốc Tuấn , hội viên Hội người Việt nam vùng Dillingen .
BBT
Phần I
Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao có dấu hỏi sau hai chữ Quê hương phải không? Từ từ tôi kể để các ban rõ.
Đúng vậy bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có Quê hương, đó là nơi mà chúng ta cất tiếng khóc chào đời, là nơi mà tuổi thơ vui buồn của chúng ta đã đi qua, là nơi cất giữ bao kỷ niệm thời thơ ấu, Là nơi để mỗi khi đi xa chúng ta ai cũng đều nhớ tới nó. Đó chính là Quê hương ( theo cách nghĩ của tôi).
Tôi sinh ra ở miền biên giới Quảng ninh thuộc đất chè miền đông của tỉnh, vào năm Mậu thân , cái năm mà số tử vi ít ai thích nó. Nghe kể lại Ông ngoại tôi sống cảnh gà trống nuôi con kể từ khi Bà ngoại tôi mất, nuôi sáu chị em ăn học đến khi Bác và các Dì tôi trưởng thành đi thoát ly hết, Ông ở một mình buồn nên xin con gái là mẹ tôi cho tôi về ở với Ông cho vui. Vì thương Ông và vì chiến tranh nên Bố mẹ tôi đã đồng ý, thế là năm hai tuổi tôi bắt đầu xa quê.
Về ở với Ông đất Hưng yên, đất nhãn lồng chắc ai cũng biết, còn quá bé tôi đâu có biết gì là vui hay buồn chỉ nhớ có năm bị lụt rất lớn Ông ngoại tôi cho tôi vào quang gánh,gánh chạy còn chạy đi đâu thì không biết. Mùa nhãn đến Ông tôi hái nhãn đi bán, Ông bảo tôi :
- Cháu cứ chọn quả to, ngon mà ăn những quả khi hái tự rụng là quả chín và ngon nhất.

Đúng vậy , những quả như thế khi bạn bóc vỏ ra cắn ngập răng còn hạt thì to hơn hạt đậu tương một chút chả trách bọn dơi chúng cũng thích. Ngày ngày Ông tôi đi chợ bán ít đồ trồng đươc như chuối, cam, bưởi, nhãn ... mùa nào thức ấy và mua về những thứ cần dùng cho hai ông cháu. Ông tôi hay mua bánh cuốn chợ Mễ và đậu phụ về ăn vì tôi thích bánh cuốn còn Ông thì uống rượu với đậu. Nói đến bánh cuốn chợ Mễ chắc một số người Hà thành cũng từng thưởng thức, nó rất đặc biệt bánh tráng dày cuốn tròn nhân bằng ruốc thịt lợn ăn rất giòn, viết đến đây nước miếng tôi đã chảy ướt hết cả cái áo bông rồi. Nếu có điều kiện các bạn ăn thử nhé.
Hàng ngày đi chơi với các bạn cùng làng, đi câu cá ao , bắt chuồn chuồn, dính ve bằng nhựa mít và nghịch hơn nữa là đốt ong vàng. Có lần đang đốt ong vàng , thấy người lớn đi qua phải dừng lai để trốn thế là lũ ong bị động nhào ra đúng là (ong vỡ tổ)cứ nhè đầu bọn chúng tôi mà đốt cho hả giận. Chúng tôi mạnh thằng nào thằng đó chay nhưng thằng nào ít nhất cũng lĩnh bốn, năm nhát cảnh cáo của lũ áo vàng đít cong đó.Tuy đau nhưng không thằng nào dám khóc vì sợ người lớn biết, nhưng đâu có biết chỉ sau một lúc, đầu và mặt chúng tôi cứ thế phình ra và nóng ran thế là tất cả òa nên khóc. Khóc không phải vì đau mà là sợ bị Bố mẹ biết sẽ đánh đòn. Riêng tôi tỏ vẻ không sợ hãi gì cả vì Bố mẹ tôi đâu có ở đây, còn Ông tôi thì không baogiờ đánh tôi cả, lúc này tôi thấy mình may hơn các bạn nhiều...

Cánh chuồn chuồn tuổi thơ .
Thế rồi vào một buổi trưa hè ,tôi đang ngồi trên giường bên cửa sổ ngóng ra đường xem có thằng nào rủ đi bắt chuồn chuồn không. Nếu có là trốn ngủ trưa đội nắng đi ngay vì cái thú này vui lắm. Cắm cỏ vào đuôi thả xem con của ai bay cao, rồi còn cho cắn rốn để biết bơi... thì bỗng thấy một chú Bộ đội đạp xe vào cổng, tôi vội vàng gọi Ông dậy "Ông ơi nhà có khách".Ông ngồi dậy đi nhanh ra cửa nói to :
- Ôi anh về đấy à, chị và cháu có về cùng không?
Rồi Ông quay vào nhà gọi tôi .
-Tuấn ơi! ra đón Bố, Bố cháu về đây này.
Tôi mừng rỡ chồm ra khỏi giường toan chạy lại ôm lấy người Bộ đội mà Ông tôi vừa nói đó là Bố tôi, nhưng bỗng dưng tôi dừng lại và lùi lại phía sau vài bước mặt buồn xuống khoanh tay chào "cháu chào chú ạ" lí nhí trong miệng, mắt nhìn chằm chằm ngờ vực.
Ông tôi thường dặn mỗi khi tôi ở nhà một mình ( có ai rủ đi đâu không được đi theo, ai cho gì không được lấy, ai tự xưng là Bố mẹ cũng không tin, không cẩn thận là Mẹ mìn nó bắt đấy). Chính vì thế mà tôi bắt đầu ngờ vực và chưa tin người Bộ đội đó là Bố mình. Thấy tôi chào chú, Bố tôi im lặng vài giây quay đầu ra ngoài cửa nhìn vào khoảng trống như để che dấu điều gì rồi quay lại nhìn tôi và nói .
- " Bố là Bố của con đây mà, Bố về thăm con đây"
Bố tôi vừa nói vừa đưa tay toan ôm lấy tôi. Bằng phản xạ tự nhiên tôi đẩy (chú) ra, chạy lai đứng sau lưng Ông ngoại tôi và bảo .
- Không phải, chú không phải Bố cháu Bố cháu đánh Mỹ ở biên giới cơ".
Với câu trả lời quả quyết của tôi Bố tôi lặng người đi, giọng run run .
-Bố đây mà, Bố ở biên giới về thăm con đây"
Vừa nói vừa đưa mắt nhìn Ông tôi cầu cứu. Ông tôi không dấu được xúc động đưa tay dụi mắt rồi kéo tay tôi Ông nói .
- "Con đi ra chơi với Chú đi, Chú thương con lắm"
Nghe lời Ông tôi từ từ tiến lại phía Bố tôi nhưng trong lòng vẫn còn e ngại .Ông nhìn Bố tôi khẽ nói .
-Anh dẫn cháu đi ra vườn chơi, trẻ con không ép được ngay đâu, phải để nó quen đã, Anh ở nhà với cháu tôi chạy ra làm chai Rượu chốc về bắt mấy con cá dưới ao nhâm nhi rồi nói chuyện sau".
Trời đã tắt nắng, những chú ve sầu cũng đã đi ngủ sau một ngày ca hát mệt mỏi, nhường lại chỗ cho các anh chàng đom đóm bay lượn . Bên bờ ao ếch nhái cũng bắt đầu cất tiếng lên gọi nhau ý ới, đầu làng cuối xóm thỉnh thoảng cất nên âm thanh chó sủa cọc cằn dữ dội, cộng thêm tiếng gọi chồng gọi con về ăn cơm của các bà mẹ tạo nên một bản giao hưởng đồng quê nghe thật vui tai. Ông tôi dọn cơm lên, mùi thơm phức của cá rán tỏa ra át mùi thum thủm của vỏ đay ngâm dưới cái đầm lớn gần đình làng, mà người ta thường mang ra đây ngâm sau khi tuốt vỏ. Ba người ngồi cùng với nhau bên mâm cơm thật vui vẻ. Lần đầu tiên trong đời tôi có được cái cảm giác ấm cúng kỳ lạ này, mà hàng ngày ở với Ông tuy Ông rất thương tôi nhưng cũng không có được. Tôi thấy chú Bộ đội mới đến nhà thật quý tôi và có cái gì đó rất gần gũi, chỉ vài tiếng đồng hồ thôi mà tôi cứ ngỡ mình đã gần chú từ lâu, như người thân trong nhà, có phải đây là thứ tình cảm thiêng liêng giữa Cha và con mà từ chước đến giờ tôi chưa có điều kiện để hưởng. Ăn cơm xong Ông và Chú Bộ đội ngồi uống nước nói chuyện, tôi lân la đến gần giọng run run khẽ gọi.
- "Bố"
Bố tôi xúc động nhìn tôi rồi đưa tay ôm tôi vào lòng và hôn lên má tôi. Ông nhìn Bố con tôi cười và bảo :
-Anh thấy chưa, đã nói là trẻ con mà tối nay cho hai Bố con ngủ với nhau tha hồ ôm nhau nhé".
Thế rồi mấy ngày phép ngắn ngủi của Bố tôi cũng trôi qua, ngày mai Bố tôi lại phải lên đường về (Quê) nơi mà Mẹ và em tôi đang sống. Bố tôi nói với Ông :
-Lần này con về vừa thăm Ông và cháu, nhân tiện cũng xin phép Ông cho cháu sang Nam định với Bà nội cháu. Bà nói cháu cũng ở với Ông mấy năm rồi bây giờ đến lượt Bà . Con biết là Ông rất buồn khi xa cháu nhưng không còn cách nào khác con mong Ông hiểu cho Vợ chồng con, nếu Ông đồng ý thì hết hè này cô Loan cháu sang đón cháu".
Ông tôi thở dài một tiếng, không nói gì mắt Ông dưng dưng ngước nhìn bàn thờ Bà ngoại tôi như muốn nói ( thế là từ nay chỉ còn tôi và Bà). Còn tôi , lại một lần nữa chuẩn bị xa (Quê).
Quốc Tuấn.
-->Đọc thêm...

23 thg 2, 2013

Hội Lim


Đăng lại

Mặc dù những ngày đón Tết Nhâm Thìn đã qua,nhưng các Lễ Hội đón Xuân trên toàn cõi Việt nam mới thực sự đang ở giai đoạn cao trào,chúng tôi muốn giới thiệu dần các Lễ Hội tiêu biểu đó,trước hết là Hội Lim.Không gì giới thiệu hay hơn bằng cách sưu tầm những tài liệu bài bản kĩ lưỡng có sẵn và đồng thời cũng trân trọng giới thiệu Đội Quan họ Dillingen.Donau  cho độc giả của Trang qua phần soạn rất hay của bạn KIM ANH.


Hội Lim mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Khách kéo về dự hội Lim rất đông để được xem hát quan họ giữa các "liền anh" "liền chị", hát sau chùa, hát trên đồi, hát đối đáp từng cặp đôi, hát trên thuyền... với đủ các làn điệu quan họ khác nhau. Ngoài ra, trảy hội Lim còn được xem các cuộc thi dệt của các cô gái Nội Duệ, vừa dệt thi vừa hát quan họ.
 Cũng như các Hội khác, hội Lim cũng có đủ các phần từ lễ rước đến tế lễ cùng nhiều trò vui khác.


Quan họ là loại dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc xưa và nay là tỉnh Bắc Ninh. Lim là tên Nôm của xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 18 km. Hội mở trên đồi Lim, có chùa Lim nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập tục hát quan họ. 
Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.



Hội Lim
Vùng đất Kinh Bắc không chỉ là đất võ mà còn là đất văn, nơi đây đã sản sinh cho đời rất nhiều thuần phong mỹ tục. Hệ thống hội hè, đình đám và ca hát là nét đẹp tiêu biểu của đất này nhưng không gì gây dấu ấn sâu đậm bằng Hội Lim vùng quan họ.
Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, đó là hội hàng tổng gồm các làng Nội Duệ, Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang (tức Cầu Lom và Xuân Ó). Tổng Nội Duệ huyện Tiên Du (nay là Tiên Sơn) trải dài trên đôi bờ sông Tiêu Tương, ôm ấp ngọn núi Hồng Vân (còn gọi là núi Lim), trên có ngôi chùa thờ phật. Hội Lim là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Như các lễ hội khác, hội Lim cũng có đủ các phần từ lễ rước, lễ tế đến các trò chơi như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... nhưng phần căn bản nhất của Hội Lim là hát. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng... Cả một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian, xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.
Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo. Dường như mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hoá cao. Hội Lim xưa để lại trong lòng người đi hội một cái gì đẹp lắm. Người vùng Lim, nhất là các cụ già không ai nghĩ về thời thơ trẻ và các ngày hội của mình như nghĩ về một quá khứ buồn, trái lại mọi người đều như nhớ về tuổi xuân, mùa xuân và cội nguồn, gốc gác. Hội Lim bây giờ vẫn bảo tồn cốt cách của hội Lim xưa, nhưng đã xen phần dấu ấn của văn hoá đương đại.


 Chỉ cách Hà Nội 18km nên Hội Lim không chỉ mở riêng cho tổng Nội Duệ xưa mà trai thanh gái lịch thủ đô và các vùng lân cận cũng náo nức mong chờ. Người Lim vẫn hát quan họ trên đồi Lim và dưới thuyền, nhưng phải hát bằng micro qua máy phóng thanh. Vậy là người Lim không còn hát giao duyên trong một không gian hạn hẹp mà hát cho cả thiên hạ, cả đất trời và mùa xuân cùng nghe.
Tuy nhiên, những ai sành thưởng thức và lọc lõi dân ca quan họ thường đi lang thang trong các làng vào ngày hội, để nghe các cụ vùng quan họ hát thâu đêm. Lời ca quan họ và tiếng trống hội làng như len lỏi trong tâm khảm làm thức dậy trong mỗi người những gì thiêng liêng và cao quý nhất.



     Mỗi khi nhắc tới Quan họ thì chắc hẳn mọi người đều liên tưởng tới tỉnh Bắc  Ninh ở Việt Nam với những làng quê thanh bình nằm ven con sông Cầu thơ mộng.Ấy vậy mà giữa trời Tây Âu,tại một mảnh đất nhỏ bé cách xa quê hương vạn dặm, ở thành phố Dillingen-tiểu bang Bayern-CHLB Đức những giai điệu mượt mà,thiết tha đằm thắm ấy vẫn thường xuyên được vang lên qua lời ca,tiếng hát của các "liền anh,liền chị" của đội văn nghệ không chuyên trong vùng.
  DSC01444.jpg
IMG_60051.JPG
 IMG_1476.jpg
IMG_5802.JPG
 Bild 019.jpg
IMG_5838a.JPG.
Nguồn trích dẫn (0)




-->Đọc thêm...

01:58 14 thg 1 2012Công khai169 Lượt xem 0


Nếu em biết anh đã mơ như thế 
Em đừng cười chế giễu nghe em 
Anh đưa em vào vũ trụ ngắm sao 
Anh chọn một ngôi sao sáng nhất 
Tặng em làm kỉ niệm tình yêu
Em tặng lại anh nụ hôn nồng thắm nhất
Nói nhỏ cùng anh,anh là người duy nhất
Mang nổi mối tình em ôm ấp lâu nay
Sao anh tặng không bao giờ mờ tắt
Tình em trao mãi sáng cùng sao
Em chỉ hôn anh chừng ấy lần thôi nhé 
Như số sao treo ở bầu trời
Nước mắt anh rơi tràn đầy hạnh phúc 
Bỗng hơi lạnh làm anh tỉnh giấc
Ngơ ngác nhìn chẳng thấy em đâu 
Giọt lệ buồn đọng trên mí mắt 
Em bây giờ đang sống cùng ai?
Nguyễn Lập   
                                                          an der  Elbe.im Winter  1987
  Chẳng  phải là tựa đề của bài thơ mà cũng chẳng bị ảnh hưởng bởi  tên họ của nhà thơ „vườn „của chúng ta đâu nhé, đó là hơi hướng có sự trùng lập nhau,một là „Cô hái mơ“ của thi  sĩ ,thi nhân tiền chiến lừng danh tên là Bính họ Nguyễn (Nguyễn Bính) và một là „thi nhân“ của Hội người Việt Dillingen ta cũng họ Nguyễn ,nhưng tên Lập (Nguyễn Lập) với bài thơ tên là „Mơ“. Ấy là mường tượng thế thôi chứ thực ra nếu đem so sánh hai bài thơ của một người là bậc sư phụ trên thi đàn Việt với một tay tiểu tốt,thuộc hàng cháu con chút chút chít chít thì e rằng người viết bài này sẽ bị bạn đọc cười cho,bởi bạn nghĩ : không có gì để mà so, cũng chẳng có gì để mà sánh cả.
Thế nhưng tôi vẫn cứ so sánh đấy.Ở đây có hai vấn đề cần quan tâm.Đó là thi pháp và ý tưởng.Về thi pháp, Nguyễn Bính vận dụng theo thể thất ngôn bát cú đối với  bài „Cô hái mơ“, thất ngôn đấy nhưng không phải là bát cú mà dài hơn,bởi lẽ nếu chỉ gò ép vào khuôn khổ khô cứng theo thể các lối thơ cổ thì không thể nào thể hiện hết các ý tưởng của mình được.Về ý tưởng ,đó là hình tượng  cô hái mơ hoàn toàn là siêu thực,không có thực,ngay cả cái vườn mơ kia cũng không có thực,chẳng qua chỉ là cơn mộng ảo thôi,cơn mộng ảo rất đẹp và rất đáng được những ai có tâm hồn lãng mạn và bay bổng nghĩ tới,thơ thẩn đường chiều một khách thơ,xa nhìn trông ngọn núi xanh lơ,khí trời lặng lẽ và trong trẻo,thấp thoáng vườn mơ cô hái mơ.Thế nhưng chàng thi sĩ Nguyễn Lập của chúng ta lại mơ một cái mơ rất thực,rất đời.Mơ xong rồi lại „e ấp“ thổ lộ với người mình yêu  để mong nàng hiểu và luôn hiểu rằng mình yêu nàng đấy,nhưng không dám nói thật mà chỉ mượn giấc mơ để nói hộ mình mà thôi.Nhưng phải nói chàng thi sĩ của chúng ta khôn lắm.Các bạn đọc kĩ bài thơ chưa?Này nhé,chàng đưa em vào vũ trụ đầy sao,rồi chọn một ngôi sao sáng nhất để làm kỉ niệm của tình yêu.Thế rồi lại đoan chắc với người tình của mình là ngôi sao anh tặng,không bao giờ mờ tắt .Này hứa như thế chắc hẳn ai ai trong tụi „con giai“ chúng mình cũng hứa được phải không,rồi nàng lại phải nói nhỏ với chàng ta rằng anh là người duy nhất ,rồi tình yêu của nàng trao cho phải sáng mãi cùng sao,thế rồi lại còn „dỗ“ nàng là hôn anh vừa vừa ,ước chừng chỉ bằng số sao trên trời mà thôi. Thấy chưa,vừa khôn lại vừa tham.Nói  vậy thôi chứ khi đã muốn yêu  và muốn được yêu ai mà chẳng khôn và tham như vậy.
Cuối cùng cũng như „Tuyết bay“ (đăng vào Chiếu Thơ của chúng ta vào ngày 12.10.2011),thì ra „Mơ“ cũng chỉ là giấc mơ,một giấc mộng mà thôi.Giấc mơ hão huyền nhưng đẹp(nếu luôn luôn chỉ là giấc mơ hão huyền nhưng mà đẹp thì chính tôi cũng muốn được mơ như thế mãi).Có lẽ qua vài bài thơ của anh chúng ta đã từng đọc trên trang này chắc hẳn ai ai cũng nhận xét rằng chất thơ của anh vô cùng giản dị,thủ pháp không có gì đặc biệt,nói điều này ra thế nào anh cũng cười,bởi vì anh có nghĩ đến cái gì là thủ pháp hay bút pháp gì đâu.Câu cú anh viết ra rất phóng khoáng,tự do,không câu nệ luật lệ hay âm hưởng.Đơn giản thôi,với kiểu viết  ấy cái  mà anh muốn nói thì anh đã nói ra được.Cũng như Nguyễn Bính,cái  mà làm cho chính ông và cả những người đọc thơ ông bâng khuâng thì ông cũng làm được,hai lối viết khác xa nhau,nhưng cùng làm cho người đọc có một cảm nhận về một mối tình ảo như nhau.Với Nguyễn Bính : cô hái mơ ơichẳng trả lời ta lấy một lời,cứ lặng dần đi rồi một  khuất,rừng mơ  hiu hắt… lá mơ rơi,thì ở anh bỗng hơi lạnh làm anh tỉnh giấc,ngơ ngác nhìn chẳng thấy em đâu. 
Cùng với „Tuyết bay“ và „Một lá thư em gửi“ thi phẩm „Mơ“ của Nguyễn Lập đều nói về mối tình thầm kín và sâu lắng của mình với một người con gái trong trắng,một nữ sinh hiền dịu và dễ thương.Than ôi,với bản tính e dè và nhút nhát lẽ ra không đáng có ,chàng đã để tuột  mất một mối tình và cũng để trái tim của cô nữ sinh ngây thơ và trong trắng kia tuột đi mất hình ảnh của chính bản thân mình.Cái gì đã lỡ còn có thể làm lại,nhưng mối tình này chỉ có thể làm sống lại bằng ảo giác mỗi khi đông về tuyết trắng rơi hay trong những giấc mơ mà thôi,Lập ạ.
      Winter 2011. dlg.donau.nđ.
-->Đọc thêm...

17 thg 2, 2013

ĐẾN VỚI BÀI HÁT ÔNG ĐỒ

   



Vào những dịp năm hết,Tết đến,khi cả đất trời như bừng tỉnh dậy sau mùa Đông giá rét.Khi trên những cành cây mới ngày hôm qua còn khẳng khiu,trơ trụi mà nay đã xanh ngắt một màu của chồi non lộc biếc,Én liệng rợp trời cao,muôn chim đua hót líu lo như để gọi mời nàng Xuân hãy mang nắng ấm đến với đất trời,đến với muôn loài.
Lúc đó lòng người cũng như hân hoan hơn,rạo rực hơn trước cảnh sắc mùa xuân và ai cũng muốn hòa mình vào niềm vui của đất trời, của muôn người trong những lễ hội mùa xuân đang được mở ra khắp chốn.
Trong những ngày này ngoài những hình ảnh thông thường của lễ hội mà ta thường bắt gặp như:cờ,hoa giăng kín lối,các gian quán bán hàng,các khu tổ chức trò chơi giân gian... thì hình ảnh ông đồ già bên mực tàu,giấy đỏ cũng là hình ảnh không thể thiếu để cho "bức họa mùa xuân" được trọn vẹn hơn,đẹp đẽ hơn.
Hình ảnh này đã được nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-96) khắc họa khá rõ nét trong bài thơ:Ông đồ nhưng hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu tới tất cả bạn đọc một "phiên bản" khác của bài thơ Ông đồ qua phần phổ nhạc khá hay của một người con vùng Dillingen-
anh Nguyễn Công Định.
Xin mời các bạn cùng thưởng thức!


-->Đọc thêm...

13 thg 2, 2013

MÙA XUÂN NHO NHỎ






MÙA XUÂN NHO NHỎ

   Nhạc-Trần Hoàn
Thơ-Thanh Hải


Mọc giữa dòng sông xanh một bông hoa tím biếc 

Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời 
Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về 
Mùa xuân người cầm súng lộc giắt đầy trên lưng 
Mùa xuân người ra đồng trải dài nương lúa 

Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao 
Đất nước như vì sao vững vàng phía trước 
Ta làm con chim hót ta làm một nhành hoa 
Một nốt trầm xao xuyến ta biến trong hoà ca 

Mùa xuân mùa xuân một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời Mùa xuân , mùa xuân mùa xuân tôi xin hát khúc Nam Ai , Nam Bằng 
Nước non ngàn dặm tình 
Nước non ngàn dặm mình đất Huế nhịp phách tiên


-->Đọc thêm...

8 thg 2, 2013

Nhớ Tết quê hương


1969 fdsf dgbh




Càng sắp gần đến Tết ta
Lòng tôi bỗng nhớ quê nhà biết bao
Nhớ da diết, nhớ nôn nao
Bao nhiêu kỷ niệm thuở nào quê hương

Những ngày giáp Tết phố phường

Cờ hoa biểu ngữ rợp đường đẹp sao

Chợ hoa rực đỏ sắc đào

Quất vàng lúc lỉu chen vào lá xanh

Cùng nhau dạo bước lượn quanh

Muôn loài hoa đẹp, hợp thành chợ hoa

Violet tím mặn mà

Lay ơn đủ sắc thật là dễ thương
Bao loài thơm ngát tỏa hương
Hoa Hồng đủ loại, Hải đường đẹp sao

Hoa Cúc, Thược dược nữa nào

Rồi hoa Cẩm chướng, hoa nào cũng tươi

Chợ hoa quyến rũ lòng người

Bên hoa ai cũng muốn cười với hoa

Chợ hoa thật tuyệt, đúng là

Nét đẹp văn hóa đậm đà quê hương

Dù có đi khắp bốn phương

Lòng luôn vẫn nhớ quê hương, nhớ nhà

Nhớ không khí Tết chợ hoa

Nhớ gia đình với mái nhà thân thương

Nhớ bè bạn, nhớ phố phường

Nhớ bao cảnh sắc quê hương Tết về

Bao nhiêu kỷ niệm trước kia

Những ngày giáp Tết ùa về trong ta

Dù đang sống ở rất xa

Lòng luôn hướng đến quê nhà, Tết sang

Cầu cho năm mới sẽ mang

Sức khỏe hạnh phúc, bình an cho đời
Mong cho tất cả mọi người

Đều được may mắn an vui Tết về
Quê hương nhớ lắm hẹn nghe

Khi nào có dịp ta về đón Xuân.
 
Gundelfingen, 02.02.13
Trần Ngọc Oanh


cay-hoa-dao.jpg
-->Đọc thêm...

5 thg 2, 2013

Nỗi lòng người viễn xứ





      Tôi là người con đã xa quê phiêu bạt nơi viễn xứ hơn một phần tư thế kỷ.Trọn cả quãng đời tuổi trẻ tôi đã sống tha hương.Hơn 25 năm xa quê thì đã 23 năm tôi đón Tết nơi đất khách,quê người.
Những cái Tết buồn tẻ và trống vắng .Buồn vì thiếu không khí ấm cúng của gia đình,thiếu những tia nắng Xuân mơn man,ấm áp và nhất là thiếu vắng cái cảm giác thiêng liêng,hồi hộp trong thời khắc giao thừa nơi đất Mẹ.

Thời gian tôi sinh sống ở Đức đã khá lâu,ấy vậy mà tôi vẫn không làm sao quen được với cảm giác thiếu vắng ấy.Cứ mỗi độ Tết đến,Xuân về trong lòng tôi lại gợn lên một nỗi buồn
 man mác khôn nguôi.
Nhớ gia đình,nhớ cha,mẹ,nhớ quê hương.... da diết.


Hình ảnh mà tôi hay hồi tưởng lại nhất đó là những cái Tết nơi quê nghèo của thời thơ bé,tuy bình dị,đơn sơ nhưng ấm áp,vui vẻ xiết bao.Cái cảm giác mừng vui khi được mặc bộ quần áo mới cùng bạn bè chạy khoe khắp xóm ,không khí ấm áp khi ngồi trông nồi bánh Chưng hay nỗi lo toan ,dành dụm bạc tiền để sắm Tết của mẹ,rồi niềm vui khi mấy nhà cùng "đụng" con lợn để chuẩn bị đón Xuân....Tất cả không khí nhộn nhịp,hân hoan ấy có lẽ mãi mãi chẳng thể nào phai nhạt trong tôi.



Giờ đây khi kinh tế cả nước đã khá hơn,chẳng còn mấy ai phải lo lắng,chạy vạy đón Tết ,khi mà ngoài siêu thị cái gì cũng có sẵn,chỉ cần "đảo một vòng" là có đầy đủ mọi thứ cho 3 ngày Xuân thì lại chẳng thể tìm đâu ra niềm sung sướng,sự háo hức chờ đón Tết của ngày xưa ấy nữa....
Có lẽ con người ta thường hay thích những thứ đắng ,cay,chua,chát cũng như hay "ôn nghèo,kể khổ" chứ mấy ai ghi nhớ sự sung sướng,ngọt ngào đâu.
Tôi biết cái gì cũng có "thời" của nó.Theo đà phát triển của Xã hội thì những sự "tiện lợi hóa","đơn giản hóa" cách đón Tết cũng là điều tất yếu thôi.Biết vậy nhưng sao lòng tôi vẫn không khỏi khắc khoải,hoài mong về ngày Tết của một thời thơ ấu khi mỗi độ Xuân về...


Hôm nay ,trong một ngày giáp Tết trên nước Đức xa xôi.Nhìn cảnh vật đìu hiu,giá lạnh ngoài trời ,cái cảm giác nhớ quê,nhớ nhà lại trào dâng mạnh mẽ.Những dòng cảm xúc bất tận ấy được tôi ghi lại thành mấy vần thơ,xin sẻ chia cùng tới bạn đọc.
Có lẽ bài thơ của tôi hơi buồn nhưng mong các bạn hiểu cho,giữa một không gian lạnh lẽo nơi tha hương lại trong những ngày cận kề cái Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc thì khó tránh khỏi làm lòng người xốn xang,rung cảm.
Những ai đã từng đón những cái Tết xa nhà,xa quê thì chắc sẽ hiểu được nỗi lòng của tôi lúc này..




Woodsy Cabin

NỖI LÒNG NGƯỜI VIỄN XỨ



Một chiều giáp Tết nắng hanh hanh
Sương giá lạnh căm phủ kín cành
Cây xác xơ khô,trơ trụi lá
Em "ẩn" nơi nào hỡi lá xanh?
Lạnh lẽo làm sao Tết xứ người!
Tìm đâu nắng ấm,sắc hoa tươi
Bữa cơm sum họp ba mươi Tết
Bên những người thân ,rộn tiếng cười
Có lẽ giờ này nơi phương xa
Miền đất dấu yêu-chốn quê nhà
Mẹ cha khắc khoải,lòng thương nhớ
Đứa con phiêu bạt phía trời xa
Chúng con nhớ lắm-đất mẹ ơi
Ngày Tết quê hương thắm tình người
Cầu chúc muôn nhà Xuân yên ấm
Mong một ngày về giữa Xuân tươi.

Tam Anh
-->Đọc thêm...

2 thg 2, 2013

CHÚC MỪNG NĂM MỚI QUÝ TỊ




BLOG NGƯỜI VIỆT DILLINGEN
 

xin kính chúc tất cả các độc giả và bè bạn gần xa 



 MỘT NĂM MỚI QUÝ TỴ





http://i259.photobucket.com/albums/hh299/Amy_6503/Number%2001/73874521hs8.gif







https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEilnboDaOfzDsPKO3QIOzbn3QfE6Zp6yz7uf9YbLe2JVAGgz0bCXmIoUiPA8awFKrfzFYoqN_ABlk8nc5aovDY5a0EyjPtX6AV9_mG3Bx-oGw2QW5dTk2ZovMmumEVnao43PpCQ8q9Zyhc/s1600/chuc+mung+nam+moi+quy+ty.jpg

-->Đọc thêm...