Nói đến Nga Sơn nhiều người biết câu “chiếu Nga Sơn...”, nhưng chưa hẳn biết đó là một huyện của tỉnh Thanh Hóa. Nga Sơn không có “đặc ân” ấy, giống như Nông Cống, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa... chỉ nghe loáng qua, người ta đã rõ nó ở tỉnh nào, mặc dù Nga Sơn cũng không kém cạnh gì, chứ không chỉ riêng là chiếu, mà chiếu là một thương hiệu đã thoái trào, nếu so với chiếu Thái Bình, Kim Sơn (Ninh Bình)... Nếu từ Nam ra qua thành phố Thanh Hóa gần ba mươi cây số đến đoạn cắt đường 13 rẽ về tay phải theo hướng biển 16km là đến huyện lỵ Nga Sơn, qua cầu Báo Văn, đã có lần tụt xuống đường 1, lòng tràn đầy háo hức, từ đầu đường 13, tôi đã cuốc bộ về nhà; hay men theo Hậu Lộc qua đò Thắm(nay có cầu Phao) là quê tôi đấy; cũng có thể đến Đò Lèn mượn đê Bình Lâm đi tắt về quê. Còn từ hướng bắc đến Ninh Bình đi về Kim Sơn, Phát Diệm qua cầu Chính Đại là đất quê tôi; hoặc đến Bỉm Sơn rẽ tay trái 12km qua Đò Tư Tuần(nay là Cầu) là về tới quê Mẹ của tôi. Nói thế để biết, ngoài từ... trên trời đi xuống, muốn vào quê tôi, dù ở hướng nào cũng bước qua Sông và Biển.
Huyện Nga Sơn nằm ở cực đông bắc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 42km, phía bắc và đông giáp tỉnh Ninh Bình và thị xã Bỉm Sơn, phía tây giáp huyện Hà Trung, phía nam giáp huyện Hậu Lộc. Với đường bờ biển dài 20km, mỗi năm Nga Sơn lấn ra biển từ 80 đến 100m do phù sa sông Hồng và sông Ðáy bồi lắng. Thế đấy, Nga Sơn lưng dựa vào núi Tam Điệp vững chãi, mặt hướng ra biển ăn sóng nói gió, được ôm bọc bằng ba dòng sông luôn chảy hiền hòa. Nga Sơn là huyện mới thành lập do lấn biển mà thành. Theo truyền thuyết Mai An Tiêm, thời các vua Hùng, đất Nga Sơn chỉ là hòn đảo ngoài biển khơi, gồm các dãy núi như: núi Thiết Giám, núi Vạn Sơn, núi Vân Nham, núi Thần Ðầu, núi Song Ngư, núi Chích Trợ và các con sông như sông Hoạt, sông Báo Văn, sông Lèn.
Thời thuộc Hán, huyện Nga Sơn thuộc vùng đông bắc của huyện Dư Phát. Ðến thời Lưỡng Quốc, Lưỡng Tấn Nam Bắc - Triều thuộc huyện Kiến Sơ. Bước sang thời Tuỳ, Nga Sơn là vùng đất thuộc huyện Long An, đời Ðường thuộc huyện Sùng Bình.
Trong các triều Ðinh, Lê, Lý, địa giới hành chính được giữ nguyên như thời Ðường. Ðến thời Trần - Hồ bắt đầu lập huyện Chi Nga thuộc châu Ái. Thời Lê đổi tên huyện Chi Nga thành huyện Nga Giang thuộc phủ Hà Trung. Bước sang thời Nguyễn, đổi tên thành huyện Nga Sơn.
Sau Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), vẫn giữ nguyên là huyện Nga Sơn. Năm 1977, ghép hai huyện Hà Trung và Nga Sơn, lấy tên là huyện Trung Sơn. Năm 1982, Trung Sơn lại tách ra thành hai huyện và lấy lại tên cũ là Hà Trung và Nga Sơn. Tên gọi và địa giới hành chính huyện Nga Sơn được giữ nguyên cho đến ngày nay với huyện lỵ là thị trấn Nga Sơn.
Chưa có tài liệu nào nói, nhưng tôi cứ phỏng đoán, từ “Nga Sơn” có lẽ là do nếu nhìn từ trên cao thì dải núi Nga Sơn giống như một con Thiên nga. Đã có lần tôi trèo lên lưng chừng núi Tam Điệp để nhìn bát ngát cả một vùng Nga An, Nga Giáp mà thốt lên... Ồ, quê mình cũng đẹp đấy nhỉ!
Nói đến quê tôi không thể không nhắc đến Mai An Tiêm, Từ Thức, cửa Thần Phù, Ba Đình... Thời Hùng Vương, Mai An Tiêm đã cùng vợ con cải thiện đảo hoang nơi bị đầy ải để tồn tại và phát triển, người nhân giống cây dưa hấu đầu tiên ở nước ta. Núi có sự tích Mai An Tiêm hiện ở Nga Thiện. Ở đây tôi cũng xin mở ngoặc, là dưa hấu quê tôi trước đây được trồng nhiều ở vùng Nga An, Nga Giáp, quả dưa hình bầu dục chứ không phải tròn như trên phim, ảnh. Dưa thơm đỏ tươi, chắc thịt chứ không bồm bộp, bấc. Theo truyền thuyết, Từ Thức là người đời nhà Trần, quê ở Hà Trung, đã lên tiên giới ở do một tiên cô là Giáng Hương chỉ dẫn. Ðộng tiên nơi Từ Thức đi vào nay ở xã Nga Thiện huyện Nga Sơn.
Và Ba Đình thì quá nổi tiếng, không chỉ ở Thanh Hóa, mà địa danh này còn được lấy để đặt cho Quảng trường Ba Đình, Hội trường Ba Đình, tôi nghĩ không phải tự nhiên lại lấy địa danh Ba Đình để đặt cho những nơi hội tụ linh thiêng đến thế. Cũng có điều lạ là so với 26 xã của huyện, xã nào cũng đứng tên chữ “Nga” đầu tiên, như Nga Bạch, Nga Thạch... thì chỉ riêng Ba Đình lại không có “Nga” nào. Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Thanh Hoá là đất tổ của nhà Nguyễn, cho nên sau kinh thành Huế, Thanh Hoá đặc biệt được chú trọng. Nhà Nguyễn coi viên quan tổng đốc quản trị Thanh Hoá ngang với chức thượng thư trong triều đình và phải là một vị hoàng thân mới được làm tổng đốc tỉnh Thanh Hoá. Ðặc biệt, triều đình ra lệnh không được đào bới khai mỏ gì ở Thanh Hoá sợ rằng xúc phạm đến oai linh của xứ sở. Nhà Nguyễn xây lăng tổ khai sáng ở Triệu Tường (Hà Trung), thành Triệu Tường lớn thứ 2 sau thành Thanh Hoá, chu vi 182 trượng (1 trượng = 4m), xây dựng lại Lam Kinh để tỏ lòng kính ngưỡng nhà Lê, dựng đền thờ các vua Lê ở Kiều Ðại (TP Thanh Hoá), hằng năm cắt cử các quan lại thay mặt nhà vua cúng tế và tổ chức phòng thủ ở Thanh Hoá rất hùng mạnh gồm một hệ thống 11 đồn binh có quân chính qui trấn giữ 7 bảo súng (pháo đài), 1 đồn thuỷ với 44 khẩu đại bác (súng thần công) mỗi đợt tuyển quân lấy của Thanh Hoá hơn 7.000 người. Ngày 25/11/1885, quân xâm lược Pháp lần đầu tiên tiến công Thanh Hoá. Trước đó, ngày 5 tháng 7, Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi tuyên bố chọn Thanh Hoá làm thủ phủ kháng chiến, nên tinh thần Cần Vương của quân dân Thanh Hoá rất sôi sục. Vùng rừng núi Thanh Hoá được xây dựng những sơn phòng tích trữ tiền của, lương thảo để chuẩn bị đánh giặc. Ba tháng sau (12/3/1886), nghĩa quân Cần Vương đã tiến đánh quân Pháp đóng ở thành Thanh Hoá. Mùa hè năm 1886, nghĩa quân lập bộ chỉ huy kháng chiến toàn Thanh Hoá do Tống Duy Tân đứng đầu và lập chiến khu ở Ba Ðình (Nga Sơn). Từ 18/12/1887, chiến sự dữ dội nhất giữa quân Việt Nam và Pháp đã nổ ra ở Ba Ðình. Quân Pháp phải tập trung trên địa bàn một số xã ở đây lượng binh lính lớn nhất so với toàn quốc (6.000 người trong một trận) để chiến đấu và bị thiệt hại nặng nề. Cuối cùng vì không được tiếp ứng như kế hoạch dự kiến, nghĩa quân do Ðinh Công Tráng chỉ huy đã rút lui an toàn khỏi các chiến luỹ....
Quê tôi là vậy, và mỗi người con xứ sở, bao giờ cũng bồi đắp cho quê hương mình những tầng, lớp văn hóa mới với những kỷ niệm, ký ức không bao giờ quên.
N.X.P
VỀ QUÊ
Ta lại về quê,lại về quê
lòng háo hức vui mừng như con trẻ
bõ bao ngày chờ đợi ngóng trông
quê ta đó Núi cao Biển rộng
màu lúa xanh ,xanh ngát những cánh đồng
đàn Cò trắng chao nghiêng mình trong nắng
làn khói lam tô thắm lũy Tre già
ta lại về nơi thân thiết của ta
nơi ngày xưa Cha từng gặp Mẹ
hạt giống Nam nảy mầm trên đất Bắc
tặng cho ta một kiếp làm người
ta lại về nơi thân thiết của ta
bạn bè xưa mỗi người mỗi ngả
gặp lại nhau rộn rã tiếng cười
con lại về hỡi Mẹ thân yêu ơi
sung sướng thay sau tháng ngày phiêu bạt
nay trở về vẫn có Mẹ đứng chờ trước ngõ
dáng Mẹ còng trông như dáng Lúa
bao nhiêu năm đợi Chồng bao năm nữa vẫn mong con
ta lại về đây hỡi quê mẹ Nga Sơn
quê ta đó nơi cuối Sông đầu Biển
Sú Vẹt lui nhường chỗ cho người
bãi lầy xưa nay thành ruộng Lúa
bưng bát cơm ăn vẫn thấy mặn mòi
Con đã về đây quê mẹ thân yêu ơi
thân thương qúa những Rơm cùng Rạ
vương vấn hoài chẳng nỡ lìa xa
Ôi hạnh phúc suốt nửa đời ta đeo đuổi
nay trở về bất chợt tìm ra.
Tết đến rồi!Ngày bé nghe mấy câu đó tôi thích lắm,đếm từng ngày mong sao nhanh đến tết để được mặc áo mới,được đi chơi tết,được nhận tiền mừng tuổi.Còn bây giờ thấy không mong mà sao Tết đến nhanh thế! Thật vậy,với những người sống tha hương như tôi Tết là những khoảnh khắc thiêng liêng nhưng mơ mơ thực thực.Tết chỉ hiện hữu trong trí nhớ,trong những kỷ niệm tuổi ấu thơ,bởi trên đất khách quê người tết của người Việt mình chứ đâu của người ta.Bởi vậy càng gần đến ngày Tết, tâm trạng càng chơi vơi như con chim bay lạc đàn,trong lòng bâng khuâng nỗi nhớ về quê Mẹ. Nơi ấy Xuân đang về!
Trong cái rét đầu đông nơi châu âu khi nhiệt độ luôn luôn dưới không độ,mọi thứ đóng băng lại,tâm hồn tôi lại thêm tê tái,thèm hơi ấm bên nồi bánh trưng,thèm làm sao được hít hà cái không khí ẩm ẩm của những ngày mưa phùn đầu xuân.Thèm cái không khí nhộn nhịp của ngày ba mươi tết,nhà nhà tíu tít chuẩn bị bữa cơm tất niên.Rồi tối đến mẹ chuẩn bị nồi chè kho và mâm cơm cúng giao thừa trong cái tất bật,hân hoan chờ đón xuân sang.Và trong thời khắc chờ đón năm mới thỉnh thoảng đâu đây tiếng pháo nổ đì đoàng,hương thơm của pháo của trầm hương quện với hương xuân đất trời.Ôi chao là nhớ! Đã hai mươi ba tết có lẻ tôi đón tết xa quê,nhưng cứ mỗi độ tết đến xuân về tôi không sao nguôi được nỗi nhớ,tất cả cứ tràn về như mới đâu đây thôi!
Một sớm mai khi bất chợt đông về Tuyết phủ trắng mang cái lạnh tái tê Làn gió kia cứ vô tình đến thế Mặc hàng cây đứng run rẩy ven đường.
Bâng khuâng trong cái lạnh sương giăng Nỗi nhớ quê ôi sao da diết thế Thèm được hòa vào dòng người hối hả Tất bật lo Tết đến bên thềm...
Thèm được ngắm đào ngắm quất ngắm mai vàng Mùi trầm hương quện vào xuân đất nước Ôi thèm lắm hương vị Xuân ngày Tết Lại một lần lỗi hẹn với Quê hương.Hausen Tết Nhâm thìn