9 thg 3, 2012

QUÊ HƯƠNG KÝ ỨC TUỔI THƠ





Đóng góp cho chuyên mục Xóm văn , lần này chúng tôi xin giới thiệu với các bạn bài viết rất ấn tượng về ký ức tuổi thơ của anh Trần Quốc Tuấn , hội viên Hội người Việt nam vùng Dillingen .
BBT
Phần I
Chắc các bạn sẽ thắc mắc tại sao có dấu hỏi sau hai chữ Quê hương phải không? Từ từ tôi kể để các ban rõ.
Đúng vậy bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có Quê hương, đó là nơi mà chúng ta cất tiếng khóc chào đời, là nơi mà tuổi thơ vui buồn của chúng ta đã đi qua, là nơi cất giữ bao kỷ niệm thời thơ ấu, Là nơi để mỗi khi đi xa chúng ta ai cũng đều nhớ tới nó. Đó chính là Quê hương ( theo cách nghĩ của tôi).
Tôi sinh ra ở miền biên giới Quảng ninh thuộc đất chè miền đông của tỉnh, vào năm Mậu thân , cái năm mà số tử vi ít ai thích nó. Nghe kể lại Ông ngoại tôi sống cảnh gà trống nuôi con kể từ khi Bà ngoại tôi mất, nuôi sáu chị em ăn học đến khi Bác và các Dì tôi trưởng thành đi thoát ly hết, Ông ở một mình buồn nên xin con gái là mẹ tôi cho tôi về ở với Ông cho vui. Vì thương Ông và vì chiến tranh nên Bố mẹ tôi đã đồng ý, thế là năm hai tuổi tôi bắt đầu xa quê.
Về ở với Ông đất Hưng yên, đất nhãn lồng chắc ai cũng biết, còn quá bé tôi đâu có biết gì là vui hay buồn chỉ nhớ có năm bị lụt rất lớn Ông ngoại tôi cho tôi vào quang gánh,gánh chạy còn chạy đi đâu thì không biết. Mùa nhãn đến Ông tôi hái nhãn đi bán, Ông bảo tôi :
- Cháu cứ chọn quả to, ngon mà ăn những quả khi hái tự rụng là quả chín và ngon nhất.
Đúng vậy , những quả như thế khi bạn bóc vỏ ra cắn ngập răng còn hạt thì to hơn hạt đậu tương một chút chả trách bọn dơi chúng cũng thích. Ngày ngày Ông tôi đi chợ bán ít đồ trồng đươc như chuối, cam, bưởi, nhãn ... mùa nào thức ấy và mua về những thứ cần dùng cho hai ông cháu. Ông tôi hay mua bánh cuốn chợ Mễ và đậu phụ về ăn vì tôi thích bánh cuốn còn Ông thì uống rượu với đậu. Nói đến bánh cuốn chợ Mễ chắc một số người Hà thành cũng từng thưởng thức, nó rất đặc biệt bánh tráng dày cuốn tròn nhân bằng ruốc thịt lợn ăn rất giòn, viết đến đây nước miếng tôi đã chảy ướt hết cả cái áo bông rồi. Nếu có điều kiện các bạn ăn thử nhé.
Hàng ngày đi chơi với các bạn cùng làng, đi câu cá ao , bắt chuồn chuồn, dính ve bằng nhựa mít và nghịch hơn nữa là đốt ong vàng. Có lần đang đốt ong vàng , thấy người lớn đi qua phải dừng lai để trốn thế là lũ ong bị động nhào ra đúng là (ong vỡ tổ)cứ nhè đầu bọn chúng tôi mà đốt cho hả giận. Chúng tôi mạnh thằng nào thằng đó chay nhưng thằng nào ít nhất cũng lĩnh bốn, năm nhát cảnh cáo của lũ áo vàng đít cong đó.Tuy đau nhưng không thằng nào dám khóc vì sợ người lớn biết, nhưng đâu có biết chỉ sau một lúc, đầu và mặt chúng tôi cứ thế phình ra và nóng ran thế là tất cả òa nên khóc. Khóc không phải vì đau mà là sợ bị Bố mẹ biết sẽ đánh đòn. Riêng tôi tỏ vẻ không sợ hãi gì cả vì Bố mẹ tôi đâu có ở đây, còn Ông tôi thì không baogiờ đánh tôi cả, lúc này tôi thấy mình may hơn các bạn nhiều...
Cánh chuồn chuồn tuổi thơ .
Thế rồi vào một buổi trưa hè ,tôi đang ngồi trên giường bên cửa sổ ngóng ra đường xem có thằng nào rủ đi bắt chuồn chuồn không. Nếu có là trốn ngủ trưa đội nắng đi ngay vì cái thú này vui lắm. Cắm cỏ vào đuôi thả xem con của ai bay cao, rồi còn cho cắn rốn để biết bơi... thì bỗng thấy một chú Bộ đội đạp xe vào cổng, tôi vội vàng gọi Ông dậy "Ông ơi nhà có khách".Ông ngồi dậy đi nhanh ra cửa nói to :
- Ôi anh về đấy à, chị và cháu có về cùng không?
Rồi Ông quay vào nhà gọi tôi .
-Tuấn ơi! ra đón Bố, Bố cháu về đây này.
Tôi mừng rỡ chồm ra khỏi giường toan chạy lại ôm lấy người Bộ đội mà Ông tôi vừa nói đó là Bố tôi, nhưng bỗng dưng tôi dừng lại và lùi lại phía sau vài bước mặt buồn xuống khoanh tay chào "cháu chào chú ạ" lí nhí trong miệng, mắt nhìn chằm chằm ngờ vực.
Ông tôi thường dặn mỗi khi tôi ở nhà một mình ( có ai rủ đi đâu không được đi theo, ai cho gì không được lấy, ai tự xưng là Bố mẹ cũng không tin, không cẩn thận là Mẹ mìn nó bắt đấy). Chính vì thế mà tôi bắt đầu ngờ vực và chưa tin người Bộ đội đó là Bố mình. Thấy tôi chào chú, Bố tôi im lặng vài giây quay đầu ra ngoài cửa nhìn vào khoảng trống như để che dấu điều gì rồi quay lại nhìn tôi và nói .
- " Bố là Bố của con đây mà, Bố về thăm con đây"
Bố tôi vừa nói vừa đưa tay toan ôm lấy tôi. Bằng phản xạ tự nhiên tôi đẩy (chú) ra, chạy lai đứng sau lưng Ông ngoại tôi và bảo .
- Không phải, chú không phải Bố cháu Bố cháu đánh Mỹ ở biên giới cơ".
Với câu trả lời quả quyết của tôi Bố tôi lặng người đi, giọng run run .
-Bố đây mà, Bố ở biên giới về thăm con đây"
Vừa nói vừa đưa mắt nhìn Ông tôi cầu cứu. Ông tôi không dấu được xúc động đưa tay dụi mắt rồi kéo tay tôi Ông nói .
- "Con đi ra chơi với Chú đi, Chú thương con lắm"
Nghe lời Ông tôi từ từ tiến lại phía Bố tôi nhưng trong lòng vẫn còn e ngại .Ông nhìn Bố tôi khẽ nói .
-Anh dẫn cháu đi ra vườn chơi, trẻ con không ép được ngay đâu, phải để nó quen đã, Anh ở nhà với cháu tôi chạy ra làm chai Rượu chốc về bắt mấy con cá dưới ao nhâm nhi rồi nói chuyện sau".
Trời đã tắt nắng, những chú ve sầu cũng đã đi ngủ sau một ngày ca hát mệt mỏi, nhường lại chỗ cho các anh chàng đom đóm bay lượn . Bên bờ ao ếch nhái cũng bắt đầu cất tiếng lên gọi nhau ý ới, đầu làng cuối xóm thỉnh thoảng cất nên âm thanh chó sủa cọc cằn dữ dội, cộng thêm tiếng gọi chồng gọi con về ăn cơm của các bà mẹ tạo nên một bản giao hưởng đồng quê nghe thật vui tai. Ông tôi dọn cơm lên, mùi thơm phức của cá rán tỏa ra át mùi thum thủm của vỏ đay ngâm dưới cái đầm lớn gần đình làng, mà người ta thường mang ra đây ngâm sau khi tuốt vỏ. Ba người ngồi cùng với nhau bên mâm cơm thật vui vẻ. Lần đầu tiên trong đời tôi có được cái cảm giác ấm cúng kỳ lạ này, mà hàng ngày ở với Ông tuy Ông rất thương tôi nhưng cũng không có được. Tôi thấy chú Bộ đội mới đến nhà thật quý tôi và có cái gì đó rất gần gũi, chỉ vài tiếng đồng hồ thôi mà tôi cứ ngỡ mình đã gần chú từ lâu, như người thân trong nhà, có phải đây là thứ tình cảm thiêng liêng giữa Cha và con mà từ chước đến giờ tôi chưa có điều kiện để hưởng. Ăn cơm xong Ông và Chú Bộ đội ngồi uống nước nói chuyện, tôi lân la đến gần giọng run run khẽ gọi.
- "Bố"
Bố tôi xúc động nhìn tôi rồi đưa tay ôm tôi vào lòng và hôn lên má tôi. Ông nhìn Bố con tôi cười và bảo :
-Anh thấy chưa, đã nói là trẻ con mà tối nay cho hai Bố con ngủ với nhau tha hồ ôm nhau nhé".
Thế rồi mấy ngày phép ngắn ngủi của Bố tôi cũng trôi qua, ngày mai Bố tôi lại phải lên đường về (Quê) nơi mà Mẹ và em tôi đang sống. Bố tôi nói với Ông :
-Lần này con về vừa thăm Ông và cháu, nhân tiện cũng xin phép Ông cho cháu sang Nam định với Bà nội cháu. Bà nói cháu cũng ở với Ông mấy năm rồi bây giờ đến lượt Bà . Con biết là Ông rất buồn khi xa cháu nhưng không còn cách nào khác con mong Ông hiểu cho Vợ chồng con, nếu Ông đồng ý thì hết hè này cô Loan cháu sang đón cháu".
Ông tôi thở dài một tiếng, không nói gì mắt Ông dưng dưng ngước nhìn bàn thờ Bà ngoại tôi như muốn nói ( thế là từ nay chỉ còn tôi và Bà). Còn tôi , lại một lần nữa chuẩn bị xa (Quê).
Quốc Tuấn.

Bình luận:

  1. sophiahan

    04:59 18-03-2012
    Câu thơ của Vũ Lập :
         Níu mây bạn với sáo diều
         Ta về tìm lại những chiều tuổi thơ
    làm tôi rưng rưng nhớ về tuổi thơ mình, nhớ những thời khắc tan học,từng tốp, từng tốp học trò vừa nhếch nhác vừa hồn nhiên lê la theo triền đê con sông Hồng trở về nhà. Lũ con trai còn tranh thủ dương những cánh diều no gió, say mê quên cả đói.
    Ôi, ước gì cho thời gian trở lại.
  2. Anhhung_Nup

    Anhhung_Nup

    18:26 16-03-2012
    Cám ơn BBT cùng đọc giả

    Bài viết còn non, lời văn còn lủng củng nhưng nhờ lời bình của BBT và đọc giả vì vậy bài có ý nghĩa hơn.
    Xin chân thành cám ơn sự khích lệ của BBT và đọc giả

    Quốc Tuấn
  3. Hội người Việt Nam vùng Dillingen
     Nếu như Hoa Sữa xao xuyến nhớ lại những con phố nhỏ Hà nội tuổi thơ,  nhớ tiếng tầu điện leng keng,nhớ  bốn mùa khác nhau mang lại những sắc thái khác nhau cho phố phường Thủ đô thì Nđ lại bồi hồi nhớ về Thành Nam trước thời bom đạn, một thành phố nhỏ vừa thanh bình, vừa nhộn nhịp. Thẳm sâu trong kí ức mình, Nguyễn Thanh Trang nhớ về vùng quê Nga sơn, một vùng đồng bằng vừa có biển lại có cả dáng núi,những làng quê  với những con người hiền hòa,và thoảng thơm hương trầm của huyền sử Mai An Tiêm.   Với Trần Quốc Tuấn, một lần nữa ta lại được biết thêm một cảm nhận khác của một người  nhớ về miền quê  của mình mà theo chúng tôi như là một hồi kí viết về một tuổi thơ mà số phận cũng sớm vác trên vai cái nhọc nhằn gian khó của một thời….
  4. VŨ LẬP

    VŨ LẬP

    18:00 11-03-2012

    Xin góp với ký ức quê hương bài VỀ QUÊ 1 trong 216 bài trong tập TỨ TUYỆT XỨ TUYẾT
    VỀ QUÊ
    Thoảng thơm hương bưởi hương cau
    Vườn trước hoa nhãn vườn sau vải thiều
    Níu mây bạn với sáo diều
    Ta về tìm lại những chiều tuổi thơ.

    LV

    06:27 10-03-2012
    Kỷ niệm với quê hương bao giờ cũng sâu nặng,nhất là đối với người con xa xứ. Cám ơn anh rất nhiều về  câu chuyện cảm động với những kỷ niệm rất đẹp của tuổi thơ và quê hương đất nước.Mong (Anhhung_Nup ) từ nay không "núp" nữa tham gia nhiều hơn vào trang điện tử Hội người Việt Nam vùng Dillingen
-->Đọc thêm...